Thời gian qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu đã thổi luồng gió mới vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Gò Công Tây.
Nhiều mô hình sử dụng cây, con giống mới cho thấy sự sáng tạo, tìm tòi của nông dân đã mở ra hướng đi hiệu quả, dài lâu, mang lại nguồn kinh tế ổn định cho nông dân. Tại ấp Thạnh Lạc Đông, xã Thạnh Nhựt nổi bật có mô hình trồng măng tây trên nền đất lúa của chú Võ Hoàng Trung và cô Phan Thị Loan. Với hơn 03 công đất ruộng, chú Trung lên nền và đào mương trữ nước ngọt để tưới cho cây măng tây.
Từ những cây măng tây (loại măng tây Mỹ), chú Trung trồng được khoảng 03 tháng, cây phát triển tươi tốt và bắt đầu đâm chồi cho thu hoạch măng non suốt trong thời gian dài hơn 01 năm. Trong thời gian trồng, chú Trung chăm sóc, tỉa bớt những nhánh măng đã bị lão hóa, tạo cây măng gốc mới tươi tốt, mạnh khỏe để duy trì lấy măng thường xuyên.
Theo chú Trung, ban đầu, chú học hỏi và tìm hiểu kỹ thuật trồng cây măng tây trên ti vi, sau đó, chú được cán bộ ngành Nông nghiệp huyện tận tình hướng dẫn kỹ thuật đào mương lấy nước, đắp bờ, đặc biệt cây măng tây trồng tại vùng đất ruộng đòi hỏi phải đi theo hướng hữu cơ mới cho ra nguồn măng tây non sạch, vậy là 100% cây măng tây trên ruộng nhà chú hoàn toàn không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học.
Chú cải tạo đất, xới kỹ, bón lót toàn bộ phân hữu cơ gồm phân gà, phân bò, phân dê và rơm rạ ủ oai mục. Sau đó, chú phủ bạt toàn bộ dưới gốc để hạn chế sâu rầy tấn công, nhờ phủ bạt nên cây măng tây được bảo vệ an toàn. Chú Trung cho biết, trong suốt quá trình trồng cây măng tây, vợ chồng chú luôn coi đây là loại cây dược liệu, nâng niu, chăm sóc mỗi ngày, kể cả vào lúc chiều tối, hai vợ chồng lại ra vườn bắt sâu,… Cây măng tây rất ưa nước, nhất là trong mùa hạn, mặn nên chú được hướng dẫn đào mương trữ nước ngọt, trung bình mỗi ngày tưới hai lần vào sáng và chiều. Cây măng tây thu hoạch theo kiểu “1 ngày hái, 1 ngày nghỉ” để cây kịp nuôi dưỡng chồi non.
Chính vì phải thu hoạch xuyên suốt, nên cây măng tây của chú Trung bắt buộc phải là măng tây trồng tự nhiên, không sử dụng bất kỳ loại phân thuốc nào để đảm bảo an toàn sức khỏe của người dùng. Hiện tại, chú Trung hái bán trung bình mỗi ngày được từ 05 – 10kg măng non, với giá bán tại vườn là 60.000 đồng/kg.
Cây măng tây non dùng để luộc hay xào đều ăn rất ngon ngọt và theo Đông y còn có vị thuốc để trị các bệnh về mỡ máu, tiểu đường… nên được mọi người biết đến khá nhiều trong thời gian gần đây. Để có được những lọn măng tây tươi xanh, vợ chồng chú Trung đã kiên trì bỏ công chăm sóc, tìm hiểu kỹ đặc tính của cây để có thể duy trì dài lâu. Ngoài ra, chú Trung còn sẵn sàng hướng dẫn cho mọi người đến tham quan, tìm hiểu học tập mô hình mới lạ này tại vườn nhà chú.
Chú cũng đã quảng bá, giới thiệu sản phẩm măng tây sạch hữu cơ nhà trồng trên trang mạng xã hội của địa phương để mọi người biết đến, qua đó góp phần giới thiệu sản phẩm sạch của vùng quê ngày càng vươn xa đến mọi miền đất nước.
Theo ngành Nông nghiệp huyện Gò Công Tây, mô hình trồng cây măng tây trên nền đất ruộng là một trong những mô hình nông nghiệp sạch cho hiệu quả kinh tế dài lâu. Để thực hiện được mô hình này, nông dân phải có kiến thức về nông nghiệp và am hiểu thị trường nông sản sạch, quyết tâm, kiên trì với hướng đi đã chọn, đặt an toàn sức khỏe của người tiêu dùng lên hàng đầu.
Có như thế, sản phẩm ngon, sạch đến được với người dùng, tạo được thị trường đầu ra của sản phẩm ổn định. Tuy giá bán khá cao, nhưng nhờ đây là nông sản có giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nên vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng, tiêu thụ thuận lợi.
Đây cũng là niềm vui của nông dân trồng rau sạch, góp phần khẳng định hướng đi đúng đắn của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian qua tại huyện Gò Công Tây. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp huyện cũng sẽ đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Kim Lan
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang